Phần lớn trường hợp mắc bệnh này cần kiểm tra đường huyết thường xuyên. Vì thế, ngoài việc đi khám theo hẹn với bác sĩ, nên trang bị thêm dụng cụ đo đường huyết tại nhà nếu có điều kiện. Điều này sẽ giúp bạn tránh được các biến chứng do tăng giảm đột ngột lượng đường trong máu.Bác sĩ Nguyễn Thế Thành, Trưởng khoa Nội tiết Bệnh viện Nhân dân Gia Định TP HCM, cho biết, có đến 68% số bệnh nhân tiểu đường ở Việt Nam đến cơ sở y tế điều trị khi bệnh đã ở giai đoạn muộn. Nhiều người để cho đường huyết tăng cao suốt một thời gian dài nên khi phát hiện bệnh thì đã bị biến chứng. Có người đã biết mình mắc bệnh nhưng vẫn không quan tâm đến việc kiểm soát đường huyết nên hay bị biến chứng.
Mục đích của việc điều trị tiểu đường là kiểm soát tốt đường huyết nhằm ngăn chặn các biến chứng xảy ra. Trong quá trình điều trị, ngoài việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, bệnh nhận tiểu đường phải được theo dõi đường huyết định kỳ. Hầu hết bệnh nhân cần kiểm tra đường huyết nhiều lần mỗi ngày nên việc sắm máy đo tại nhà là rất cần thiết. Cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng kèm theo máy và hỏi bác sĩ cách đo, đo vào thời gian nào, ngày mấy lần...
Việc đo đường huyết phải được thực hiện vào buổi sáng lúc còn đói và 2 giờ sau khi ăn. Chỉ số đường huyết an toàn cho bệnh nhân là 80-120 mg/dl vào buổi sáng lúc đói (tạm chấp nhận đến 140mg/dl) và 80 - 160 mg/dl sau ăn 2 giờ (tạm chấp nhận đến180mg/dl). Sau mỗi lần đo đường huyết, bệnh nhân nên ghi lại kết quả và cho bác sĩ tham khảo trong những lần tái khám.
Bác sĩ Thành cũng cho biết, trên thị trường hiện có nhiều loại máy đo đường huyết. Để không mua phải hàng kém chất lượng, bệnh nhân tuyệt đối không nên mua hàng trôi nổi mà phải chọn loại máy của các cơ sở có uy tín, có nguồn gốc, được bảo hành rõ ràng.
(Theo Thanh Niên)